Tạp chí Thợ Code

Trải nghiệm đăng ký Pearson VUE Online Proctor thi AWS

Tui còn nhớ bữa đó làm xong bài thi thử thấy kết quả đủ PASS nên lật đật bay vô đăng ký thi thiệt luôn ngay trong đêm để cho kịp cái hên, trong bụng còn tính coi có ca thi nào sớm nhất thì đăng ký luôn khỏi cần tắm rửa chi ráo để giữ cái hên mới làm xong bài test hồi nãy.

Chuyện là…

AWS họ có 2 đối tác khảo thí là PSI Pearson VUE, coi thử 2 bên thì thấy thời gian ở PSI thua 10 phút, với bữa mới thấy topic trên Reddit kêu Do not use PSI testing nữa nên tất nhiên mặc định Pearson VUE ngon lành rồi, đăng ký ngay và luôn thôi.

OK, xong, mọi thứ hoàn toàn tự động hóa thật tuyệt vời.

Tối đó, tui chạy test session trước, là một phần mềm để kiểm tra xem máy tính của chúng ta có đủ điều kiện để thi không, nôm là có cài screen recorder hay mấy app nào giúp cheat không. Mọi thứ vẫn rất tuyệt vời, rồi dọn dẹp bàn ghế các kiểu, cất bớt điện thoại, thiết bị điện tử khác, giấy tờ sổ sách trên bàn… còn mấy cái màn hình lỡ gắn vô arm rồi nên khá là nan giải, định bụng sẽ trùm lại hoặc hỏi giám thị.

Lịch thi bảo mở cổng check-in trước giờ thi 30p thì 45p trước đó là tui đã ngồi F5 từ từ luôn, không biết có phải tại tui bấm F5 nhiều quá mà làm hệ thống ngủm củ tỏi không nữa, nhưng ngạc nhiên chưa kìa: hệ thống thi ngủm thiệt 😂 Trải nghiệm lần đầu bao giờ cũng mang đến ấn tượng mạnh mẽ mãi về sau.

Thử đi thử lại mấy lần toàn báo lỗi ngay chỗ màn hình Network check 75%, coi chi tiết thì biết được là không kết nối được tới một dịch vụ nào đó của Wowza, chèn ơi hết gần 10p bà nó của tui rồi mà chưa check-in được, trong khi cái app OnVUE này nó dùng công nghệ đỉnh cao gì đó mà mỗi lần load cũng tốn hết mấy chục giây của tui, chưa kể trước đó còn phải đánh vật để tắt cái process dbxsvc nữa trong khi hồi chạy test thì không thấy nói năng gì.

Và tui đã cẩn thận tới mức hồi chạy test OK xong là không tắt máy, không dám nhúc nhích cái laptop luôn. Chỉ thiếu điều áp dụng các quy trình nghiêm ngặt để bảo vệ hiện trường như bên pháp y nữa thôi.

OK, dù sao thì phận end-user mà, bằng mọi giá phải check-in được để vô thi chứ, 150 Biden cùng mấy tháng trời từ bỏ mọi lạc thú trần gian, chạy tịnh gìn giữ tiết hạnh để ôn luyện mà. Tui đổi qua cái máy khác, đổi luôn line Internet khác, cũng không được thì đổi qua tới 4G Mobifone, rồi tới 4G I-Tel, rồi để chắc ăn ăn hơn trong trường hợp toàn cõi An Nam, xứ tui ở, tự nhiên chặn bọn Wowza vì lý do trời ơi nào đó nên tui thử cả VPN ở nước khác. Cũng không được luôn, lúc này chỉ còn 1 phút nữa là hết giờ check-in!

Tâm trạng hết sức rối bời, thất vọng cùng cực tui chat với Support thì gặp được con Bot hết sức lịch sự hỏi tên, hỏi ID, số điện thoại đồ rồi kêu tui đợi để nó đi kiếm con người. Với bản tính là con người nên tất nhiên không phải đồng loại thì tui càng nghi ngờ hơn, nên làm sao tui tin được con Bot này, tui quay qua máy khác kiếm Support, cũng gặp tiếp Bot. Đợi mấy chục phút và dòm màn hình trong tuyệt vọng và lúc này mới cảm thấy tự động hóa thật kinh hoàng, dù rằng mới mấy tiếng trước tui còn thấy nó tuyệt vời thế nào.

Lần mò một hơi tui mới kiếm ra chỗ để gửi mail bày tỏ nỗi thất vọng và tức thì nhận được cái mail Automatic reply càng làm tui ức chế tợn, còn số điện thoại thì tất nhiên là xứ ta không có line riêng rồi, bên Úc sẽ lo mà đêm hôm giờ thì làm gì còn ai trực điện thoại nữa.

Lúc đó bực nhất là khi mà tui tưởng tượng thi online với giám thị ở tận xứ nào đó trên trái đất này làm cho khá lo lắng và bỏ công chuẩn bị đủ thứ, cuối cùng thì vì một cái lỗi ất ơ nào đó của một cái hệ thống khỉ gió trong cái quy trình nhì nhằng làm tui chả biết mình đang bị cái củ-cải gì đó với mấy dòng thông báo lỗi chung chung vô hồn, cơ quan chủ quản thì im ru, không email, không chat, không thông báo để mọi người phải lên mạng xã hội chửi, dạo vòng vòng thì hóa ra cũng đầy người như mình từ nhiều quốc gia khác nhau. Ai đời đối tác khảo thí một cái môn để làm những giải pháp hạ tầng với những từ khóa mỹ miều như là always on, disaster recovery, high availability… bla bla bla… Cùng cam kết dịch vụ (SLA) cao nhất mà một trong số các services của họ lại ngủm củ tỏi, không một lời thông báo, không một con người nào trả lời email, chat support. Chỉ toàn những cái email hay Help Bot với tiêu đề “Automatic reply” vô hồn phản hồi ngay lập tức và sau vài tiếng đồng hồ chờ đợi trong vô vọng, càng làm cho mọi người càng bực bội hơn nữa.

Nhưng dù sao, tạm bỏ qua những điều ức chế bên trên thì mặt khác cũng cho tui được trải nghiệm rằng mọi cam kết về dịch vụ chỉ là cam kết thôi, còn chết thì phải chết làm sao mà tránh khỏi được. Có một điều chắc chắn rằng mọi thứ đều không chắc chắn mà :))

Sau hơn 4 tiếng đồng hồ bị sự cố thì cuối cùng Pearson VUE cũng có email báo lại họ “gặp khó khăn về mặt kỹ thuật” và bảo sẽ cancel lịch thi cũng như refund.

Tui đẻ ra ở thời Web 1.0 rồi lớn lên đi mần, kiếm ăn nhờ Web 2.0, bây giờ là kỷ nguyên Web 3.0 của metaverse gì gì đó nên tui rất có niềm tin vào mọi thứ sẽ được “trực tuyến hóa” một cách tuyệt vời. Nhưng rồi sau trải nghiệm tồi tệ lần đầu tiên, cũng như thấy được cơ số chuyện ba trợn xảy đến với mọi người nên thôi tui quyết định quay về với truyền thống, đăng ký thi ở Testing Center vì ngoài trải nghiệm tồi tệ vừa rồi thì dạo dạo trên mạng thấy cũng có nhiều người than phiền:

Kế hoạch chốt năm bằng cái chứng chỉ AWS không kịp thực hiện, qua tuần sau thì tui đăng ký ở Testing Center.

Ban đầu thấy review của mấy bạn Tây nói tới testing center thì dễ bị stresses hơn, do không khí phòng thi, do khác cái bàn quen thuộc… Nhưng hình như với tui thì lại thấy dễ chịu hơn, đôi khi còn cảm giác thú vị vì được sống lại cái không khí của chục năm về trước, âu chắc cũng là một trong những lợi thế hiếm hoi của dân châu Á bị ép học hành với thi cử liên miên hồi còn nhỏ.

Ở Testing Center thì mọi thứ khá suôn sẻ, thậm chí còn được alo hỏi có muốn thi sớm hông vì cán bộ phòng thi mắc kẹt công chuyện nên có thể dời lịch được. Haha

Bài: Anh Dũng.

Photo by Nguyen Dang Hoang Nhu on Unsplash